Ngày 01 tháng 9 năm 2024, tại nhà văn hóa khu phố Kim Vân, thị trấn Cành Nàng. Khu phố Kim Vân long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Làng Kim Vân (01/9/1964 - 01/9/2024) và (nay là khu phố Kim Vân)
   Tham gia Lễ Kỷ niệm 60 năm có các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, thường trực HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam thị trấn Cành Nàng, xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa; đại diện các cán bộ, công chức thị trấn Cành Nàng; đại diện các khu phố; con em sinh sống, học tập, lao động xa quê; nguyên lãnh đạo xã Tân Lập cũ, nguyên cán bộ làng Kim Vân, cùng toàn thể Nhân dân và cán bộ khu phố Kim Vân.
  Tham dự Lễ Kỷ niệm 60 năm có các đồng chí Trương Văn Minh, HUV - Bí thư Đảng ủy; Phạm Văn Lâm, PBT thường trực Đảng ủy - Chủ tịch HĐND; Trịnh Văn Hùng, PBT Đảng ủy - Chủ tịch UBND thị trấn Cành Nàng; các đồng chí Lê Viết Dân, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND; Lê Quang Thành, PBT Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Hoằng kim, huyện Hoằng Hóa.

 k0.jpg
Tiết mục văn nghệ chúc mừng Lễ Kỷ niệmk2.jpgk4.jpg
k5.jpg
k6.jpg
k3.jpg
k7.jpg
k8.jpg
k9.jpg
Các đại biểu tham dự Lễ Kỷ niệm 30 năm
k10.jpg
Ông Trịnh Đức Thắng, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu
k11.jpg
k12.jpg
Phát biểu của các đồng chí nguyên lãnh đạo làng Kim Vân và xã Tân Lập cũ
k13.jpg
Đ/c Lê Viết Dân, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa phát biểu chúc mừng
k14.jpg
Đ/c Trương Văn Minh, HUV - Bí thư Đảng ủy thị trấn Cành Nàng phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 60 năm
k15.jpg
Các đồng chí lãnh đạo thị trấn Cành Nàng tặng hoa chúc mừng khu phố Kim Vân
k16.jpg
k17.jpg
Các đồng chí lãnh đạo xã Hoằng Kim tặng hoa và quà cho khu phố Kim Vân
k18.jpg
Tặng hoa và quà cho các đồng chí nguyên cán bộ làng Kim Vân
k20.jpg
Các đồng chí lãnh đạo thị trấn Cành Nàng, xã Hoằng Kim chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ khu phố Kim Vân

 

 60 NĂM THÀNH LẬP, PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA

LÀNG KIM VÂN (NAY LÀ KHU PHỐ KIM VÂN) (01/9/1964 - 01/9/2024)

I. KHÁI QUÁT VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, LỊCH SỬ CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ.

          Đúng như tên gọi, Kim Vân là nhỏ mới thành lập, trên mảnh đất mới khai phá trong thời kỳ định cư khai hoang, lập quê hương mới, vào những năm thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất, mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc.

          Kim Vân nằm bên phía Đông Bắc giáp dãy núi Đồi Trợi đồ sộ, sườn thoai thoải, đỉnh chóp nón, tiếp đến là dãy núi đá vôi hình răng cưa, vách đứng, có eo núi thông sang xã Hạ Trung như Eo Gió, Hình thể trên bản đồ gần giống một củ khoai lang, chóp nhọn nằm ở điểm cực Bắc, trên đỉnh núi Đồi Trợi, phần đáy phình to, khuỳnh về phía Đông, ở đầu làng trên có một ngọn núi gọi là núi Hang khuôn.

          Địa giới: Phía Tây bắc giáp khu phố chu, Phía đông bắc núi Đồi trợi xã Hạ Trung.  Phía Đông Nam giáp khu phố Mòn, và phía Tây Nam giáp khu phố Măng, bên dòng sông Mã.

          Địa hình chia thành ba phần gồm: Dải đất thấp, tương đối bằng phằng, nằm giữa tỉnh lộ 523d, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, cấu tạo địa chất chủ yếu là đất bãi khai hoang. Đây là khu vực dân cư và sản xuất nông nghiệp chủ yếu của làng. Phía bắc là vùng sườn núi Đồi Trợi hình Tam giác, tiếp đến là vùng núi đá vôi ngăn cách với xã Hạ Trung, phía tây nam có dải đồi đất giáp với khu phố Măng và khu phố Chu.

          Tổng diện tích tự nhiên: 36,35 ha. Trong đó:

          Diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 23,45ha. Đất rừng sản xuất kinh doanh có 4,7 ha, núi đá vôi khoảng 3,2 ha, đất thổ cư  5 ha. Dân cư hiện nay có 32 hộ, 137 khẩu, gồm 3 dân tộc anh em cùng sinh sống: Kinh, Mường, Thái.

          Thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961-1965), tỉnh Thanh Hóa có chương trình đưa một bộ phận dân cư ở các huyện đồng bằng lên khai hoang định cư góp phần xây dựng kinh tế văn hóa ở miền núi.

Sau khi khảo sát thực địa, Ban chỉ đạo khai hoang của tỉnh nhận thấy ở Bưa Mu đang còn một vùng đất rộng, tương đối bằng phẳng, đã quyết định chọn làm điểm định cư, khai hoang.

          Huyện Hoằng Hóa và huyện Bá Thước cách xa nhau một trăm cây số nhưng có chung một dòng sông Mã. Tình cảm cách mạng gắn bó ngược xuôi từ trong kháng chiến chống Pháp đến hòa bình xây dựng đất nước. Hai huyện bắt tay nhau kết nghĩa anh em, giúp đỡ nhau trong nhiều lĩnh vực trong đó có cuộc vận động đồng bào Hoằng Hóa lên định cư ở Bá Thước, để góp phần phát triển kinh tế văn hóa miền núi. Làng Kim Sơn, Nghĩa Trang, của xã Hoằng Kim là một trong những đơn vị hưởng ứng tham gia phong trào đi xây dựng kinh tế văn hóa miền núi.

          Cuộc vận động chuyển cư không tránh khỏi những khó khăn lấn cấn ban đầu về mặt tâm lý, khi phải dời bỏ quê hương yêu dấu đã từng gắn bó bao nhiêu thế hệ cha ông, lên với núi rừng xa xôi, lạ lẫm. Đến nơi đất mới phải bắt đầu cơ nghiệp từ đôi bàn tay trắng, gian khó trăm bề.

          Xã Hoằng Kim tập trung chỉ đạo, vừa vận động các gia đình tự nguyện đăng ký, vừa cử người lên miền núi tìm nơi, thăm đất. Phát huy truyền thống yêu nước, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và Chính phủ bằng phương châm vận động “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau, hơn 50 hộ gia đình nông dân của Hoằng Kim đã xung phong đi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới ở Bá Thước.

Trong 2 làng của Hoằng Kim đã tìm được đất định cư và quyết định khai phá rừng Bưa Mu thành quê hương thứ 2 của mình. Cụ thể là:

          Làng Kim Sơn có 18 hộ

          Làng Nghĩa Trang có 38 hộ

Đầu tiên những hộ mới lên ở nhờ một số hộ của làng Chu, sau đó đội tiếp sức làm cho mỗi hộ một nhà theo khuôn mẫu chung. Lạ nước lạ cái, thiếu thốn trăm bề, nhân dân Làng Chu, làng Mòn đã chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ cùng đồng bào định cư. Cùng chia nhau miếng rau củ sắn, gom góp vật liệu gỗ luồng làm nhà làm cửa, bà con dưới quê ủng hộ lương thực, tiện nghi sinh hoạt gia đình. Do vậy, bà con mới lên đã vượt qua được những thử thách ban đầu, quyết tâm trụ lại, xây dựng quê hương mới.

II. THÀNH LẬP KHU PHỐ KIM VÂN VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI QUA CÁC THỜI KỲ.

1. Thành lập Làng Kim Vân.

          Tháng 01/1964, theo tiếng gọi của Đảng và nhà nước, các hộ dân của xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa rời quê hương đi xây dựng vùng kinh tế mới tại khu Bưa Mu, xã Long Vân, huyện Bá Thước.

Bước đầu, được cán bộ và nhân dân làng Chu đón tiếp, giúp đỡ và cho ở cùng các hộ gia đình trong làng. Đến ngày 01 tháng 9 năm 1964, Đội tiếp sức làm nhà xong. Các hộ gia đình chuyển đến nhận nhà và ổn định cuộc sống, bắt tay ngay vào sản xuất. Từ đó, cái tên Kim Vân chính thức được hình thành.

Từ đó, Ngày 01 tháng 9 hàng năm được lấy làm ngày kỷ niệm thành lập Làng Kim Vân. Kể từ ngày thành lập đến nay, Làng Kim vân vừa tròn 60 tuổi.

Lúc mới thành lập, Làng Kim Vân là 1 HTX nông nghiệp gồm 56  hộ, 289 nhân khẩu do ông Trịnh Quốc Sử làm chủ nhiệm HTX. Chi bộ có 18 đảng viên do đồng chí  nguyễn văn Giáo làm trưởng ban kiểm soá, Bí thư Chi Bộ.

          2. Giai đoạn mở đầu hăng hái, phấn khởi, đạt nhiều thành tích (1964 1970).

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ và Uỷ ban hành chính xã, cán bộ và xã viên HTX Kim Vân hăng hái thi đua tăng gia sản xuất theo các gương điển hình tiên tiến. Nhờ sức lao động sáng tạo, lòng hăng hái nhiệt tình. Sau khi khu rừng hoang vu được đội máy ủi và máy húc, ủi và san bằng  bà con đã biến những khu đất này trở thành những ruộng ngô, nương sắn, xanh tươi bạt ngàn, xen lẫn khoai lang, đậu, lạc, chuối, mía. Đâu đó, có lò gạch, lò vôi mọc lên. Để góp phần vào danh hiệu “Vua gai” của xã Tân Lập, Bà con HTX Kim vân đã mạnh dạn thí điểm nhân gống gai theo phương pháp ươm hạt. Nông sản làm ra đã giúp bà con tự túc được đời sống và góp một phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu lương thực, thực phẩm trong nhiều năm liền. Trẻ em được đến trường để học tập. Đời sống tinh thần của bà con cũng ngày càng phong phú, HTX Kim Vân đã thành lập một đội văn nghệ quần chúng đóng góp những tiết mục đặc sắc ca ngợi cuộc sống mới dưới chế độ XHCN và động viên tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

          Thông suốt quan điểm miền Bắc vừa là hậu phương, vừa là tuyền tuyến giặc đến là đánh, giặc đi là sản xuất, ra sức thi đua “Thóc không thiếu một cân, Quân không thiếu một người”. Dưới sự chỉ đạo của xã Tân Lập, HTX Kim Vân tiếp tục đẩy mạnh sản xuất rau màu, chăn nuôi mở rộng sản xuất. Một phần diện tích màu chuyển sang trồng lúa cạn, mở rộng diện tích trồng gai. HTX Kim Vân đã nhiều năm hoàn thành chỉ tiêu đóng góp đối với Nhà nước.

Trong kháng chiến chống Mỹ đã có 21 thanh niên lên đường nhập ngũ, dân công hỏa tuyến có 39 người. Hầu hết đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về địa phương. Trong đó, có 4 liệt sĩ, và 2 thương binh, 1 bệnh binh.

           Cán bộ và nhân dân HTX Kim Vân đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương các loại, trong đó:

          Huân chương kháng chiến các hạng: 16 người

          Huân chương chiến sỹ vẻ vang: 10 người

          Huân chương chiến sỹ giải phóng: 8 người

          Huân chương chiến công: 3 người

          Nhiều bằng khen, giấy khen cấp xã, cấp huyện.

          Nhớ lại, mười năm đầu xây dựng quê hương mới, tinh thần đang hăng hái, đất đai còn màu mỡ, khí thế chống Mỹ cứu nước lôi kéo mọi phong trào thi đua yêu nước, Kim Vân đã đạt được những thành tích xuất sắc, góp một phần quan trọng vào thành tích chung của và phát huy ảnh hưởng tốt đến nhiều nơi khác.

 Nhưng, ở giai đoạn tiếp theo, Làng Kim Vân gặp một số khó khăn trở ngại, tình hình diễn biến theo chiều hướng đi xuống, phải cố gắng lắm mới duy trì bám trụ, tồn tại để chờ thời cơ, điều kiện mới.

          3. Giai đoạn khó khăn, cố gắng duy trì, bám trụ (1971 - 1995).

Sau giai đoạn đầu đạt được nhiều thành tích. Đến năm 1971, do duy trì quá lâu cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp và hạn chế lưu thông hàng hóa, nền kinh tế phát triển chậm, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Riêng HTX Kim Vân, ước mơ biến rừng hoang đất trống, đồng màu, thành cánh đồng lúa nước chưa thành hiện thực, vì không giải quyết được khâu thủy lợi. Mặt bằng đất đai nằm trên độ cao vài chục mét và cách xa so với mặt nước sông Mã. Suối Bai San cạn nguồn sinh thủy và bị ảnh hưởng của địa hình làm cho nước rò rỉ theo các hang ngầm, không đủ nước tưới cho ruộng. Đất đai khô cằn, ngày càng bị bạc màu. Nguồn nước sinh hoạt khan hiếm. Đời sống bà con trở nên khó khăn. Một bộ phận không trụ lại được đã phải chuyển về quê và đi nơi khác sinh sống. Làng Kim Vân từ 56 hộ, chỉ còn lại 18 hộ. Bà con trụ lại đã phải xoay sở đủ nghề để tồn tại. Phần lớn tập trung vào làm rau, nuôi lợn, nuôi bò, làm thợ, đi đổi vật phẩm lấy lương thực. Dân số giảm dần, quang cảnh có phần buồn tẻ, ảm đạm.

Đến năm 1984, người dân bắt đầu nghĩ đến việc đào giếng để lấy nước sinh hoạt. Đi đầu là hộ ông Nguyễn Văn Học đã mạnh dạn mượn anh em, họ hàng giúp đỡ đào giếng và tìm thấy nguồn nước. Sau đó, tất cả các hộ trong làng đều học hỏi và làm theo. Người dân vui mừng, phấn khỏi vì có nguồn nước giếng đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

4. Giai đoạn phục hồi và phát triển (1996 - 2005).

Nghị quyết trung ương V khóa VIII về vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn ra đời, xác định quyền tự chủ sản xuất kinh doanh. HTX kim vân đổi tên gọi thành Thôn Kim Vân và đã tiến hành giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình sử dụng lâu dài, mở ra một thời kỳ phát triển mới, củng cố niềm tin và quyết tâm bám trụ của bà con

Đến năm 1998, Đường tải điện 110 kw đã vượt sông Mã sang đến Tân Lập. Dưới sự vận động của cán bộ thôn và xã Tân Lập, nhân dân Kim Vân đã đóng góp xây dựng đường điện 04 để đưa điện về làng phục vụ đời sống dân sinh.

Có điện nếp sống, nếp nghĩ có nhiều thay đổi, con người nảy sinh nhiều dự kiến. Chi hội phụ nữ vận động chị em thành lập các nhóm tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Chi hội CCB, chi hội Nông dân phát động phong trào tăng gia sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Cuộc sống dần dần hồi sinh, có nhiều chiều hướng đi lên.

Tuy nhiên thôn Kim vân vẫn là một thôn khó khăn của xã Tân lập. Năm 2000 tỉ lệ hộ nghèo còn 17%,  cơ sở hạ tầng chưa đáng kể. thôn Kim Vân thuộc vào diện đặc biệt khó khăn và được thụ hưởng chương trình 135, chương trình CIDA Canađa và các dự án nâng cao mức sống cộng đồng miền núi.

Đến năm 2004, Kim Vân đã có một bước tiến mới. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. 100% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng/người/năm.

Ngày 26/01/2005, chủ tịch UBND huyện Bá Thước ra quyết định số 101/UB-BT công nhận Thôn Kim Vân đạt danh hiệu Làng văn hóa cấp huyện. Đây là thành quả quan trọng, đánh dấu sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Kim Vân.

5. Giai đoạn phấn đấu vươn tới thắng lợi mới (2006 2018).

Phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục công cuộc đổi mới, tiến tới thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai đoạn 2006-2018, thôn Kim Vân đã có thời cơ và thuận lợi mới.

 Đảng và Nhà nước có chủ chương đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo. tích cực đầu tư, chỉ đạo chương trình 135, chương trình 30a, chương trình xây dựng Nông thôn mới. Đồng thời tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng cho miền núi.

Năm 2012, Nhà nước đầu tư, nâng cấp, thông suốt con đường vành đai phía Tây đường mòn Hồ Chí Minh, từ Cẩm Thủy lên cầu La Hán, chạy suốt dải đất Tân Lập từ đầu xã đến cuối xã, phá được thế cô lập về giao thông, tạo điều kiện cho nhân dân giao lưu trao đổi kinh tế, văn hóa với nhiều nơi trong cả nước. Năm 2013, Công ty mía đường Lam Sơn đặt vấn đề sản xuất nguyên liệu mía cung cấp cho nhà máy. Về phía chủ quan, nhân dân Kim Vân đã có kinh nghiệm về hạch toán kinh tế gia đình, tự chủ sản xuất kinh doanh, lựa chọn cây con thích hợp với điều kiện của mình. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào tương lai đổi mới của quê hương đất nước.

Sau những năm phấn đấu tích cực, đầy niềm tự tin của cán bộ, nhân dân trong thôn, được quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ, đến năm 2017, thôn Kim Vân đã vươn lên, gặt hái những kết quả, thắng lợi mới.

Trên lĩnh vực kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng, thôn Kim Vân đã phấn đấu đạt các chỉ tiêu cơ bản sau:

- Tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt tỷ lệ cao. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Thu nhập bình quân đầu người năm 201728 triệu đồng/người/năm. Trong thôn không còn hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo.

- Hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp và mở rộng nối liền với các thôn khác trên toàn xã.

Trên Lĩnh vực văn hóa xã hội, Kim vân cũng đạt nhiều thắng lợi mới. hằng năm, Luôn duy trì tốt danh hiệu làng văn hóa, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, phong trào khuyến học khuyến tài được quan tâm thực hiện. Khối đoàn kết dân tộc được giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố vững chắc. Nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, nghiêm chỉnh chấp hành Luật pháp Nhà nước và các quy định của địa phương. Tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững. Không xảy ra các tệ nạn xã hội.

Thực hiện chủ trương của nhà nước về công tác xuất khẩu lao động. Con em thôn Kim Vân đã tích cực hưởng ứng tham gia. Đến nay, tổng số lao động thôn Kim Vân đi xuất khẩu lao động sang các nước là 15 lao động. Từ đó, giúp các hộ gia đình có nguồn thu nhập ổn định, thoát nghèo và vươn lên thành hộ khá.
    Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sau 5 năm triển khai thực hiện, bà con nhân dân đã hiến 3 nghìn mét vuông đất, hàng trăm cây cối, 560 ngày công và 145 triệu đồng để xây dựng NTM. Với sự nỗ lực, đoàn kết đồng lòng cán bộ và nhân dân thôn Kim Vân, đã hoàn thành 14 tiêu chí NTM. Cuối năm 2017, thôn Kim Vân được chủ tịch UBND huyện Bá Thước công nhận Thôn đạt chuẩn Nông Thôn Mới. Đây là 1 sự kiện chính trị quan trọng, là niềm vui, niềm tự hào của toàn thể cán bộ và nhân dân trong thôn.

6. Giai đoạn 2019 đến nay.

Năm 2019, thực hiện Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14, ngày 16/10/2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Tháng 29/11/2019,  Tân Lập sáp nhập vào thị trấn Cành Nàng để mở rộng địa giới hành chính. Đến năm 2020, thôn Kim Vân đổi tên gọi là khu phố Kim Vân.

Sau khi sáp nhập vào thị trấn Cành Nàng, bà con nhân dân luôn chấp hành và thực hiện tốt các chủ chương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà Nước. Đoàn kết, phấn đấu xây dựng khu phố, góp phần vào sự phát triển của thị trấn Cành Nàng nói chung, khu phố Kim Vân nói riêng.

          Kính thưa toàn thể quý vị đại biểu!

Có được kết quả đó trước hết là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ, Chính quyền xã Tân Lập đã luôn luôn quan tâm đến đời sống nhân dân, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình dự án phục vụ dân sinh trên địa bàn khu phố.

Tuy nhiên để biến chủ trương đường lối thành hiện thực cuộc sống, nhân tố bên trong là quyết định, Đó là sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân khu phố Kim Vân.

Trước hết là lòng trung thành, niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước “Dù khó khăn đến đâu cũng theo Đảng đến cùng”. Trong những năm khó khăn gian khổ, thiếu thốn mọi bề, phải ăn khoai, ăn sắn thay cơm vẫn thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương chính sách của Đảng nhà nước, kiên trì bám trụ xây dựng quê hương mới trên vùng đất hoang vu, khô cằn.

          Nhân Kỷ niệm 60 năm thành lập khu phố Kim Vân, chúng ta ghi nhớ công ơn và tình cảm đặc biệt của đồng bào các dân tộc xã Tân Lập cũ, nhất là nhân dân khu phố Chu, đã đùm bọc, giúp đỡ khu phố Kim Vân trong giai đoạn khó khăn gian khổ nhất và cổ vũ động viên đi tiếp những chặng đường hứa hẹn về sau.

Nhìn lại chặng đường 60 năm phấn đấu, trưởng thành, chúng ta có quyền tự hào và nhiệt liệt biểu dương nhân dân và cán bộ khu phố Kim Vân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền xã Tân Lập cũ và thị trấn Cành Nàng ngày nay.

Chi bộ, Ban lãnh đạo khu phố Kim Vân kính mong và đề nghị Đảng ủy - HĐND - UBND - UB MTTQ, các đoàn thể thị trấn tiếp tục quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo khu phố kim vân trong những năm tiếp theo. Đồng thời kêu gọi các gia đình và con em khu phố Kim Vân đang sinh sống, học tập và làm việc ở trong và ngoài nước hướng về quê hương, góp phần làm cho Kim Vân ngày càng giàu, đẹp hơn. Đồng thời kêu gọi Cán bộ và nhân Làng Kim Sơn, Lãnh đạo xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa tiếp tục, giúp đỡ ủng hộ khu phố Kim Vân bằng nhiều hình thức.

Nhân dịp này, Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ nhân dân khu phố Kim Vân phát huy truyền thống hào hùng trong 60 năm qua, hãy đoàn kết, sáng tạo, phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực, chủ động khắc phục khó khăn, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế văn hóa xã hội của địa phương.

            Với niềm tin đó, thay mặt Chi bộ và Ban lãnh đạo khu phố, tôi kính chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý, con em xa quê, các đồng chí lãnh đạo thị trấn Cành Nàng, Các đồng chí lãnh đạo xã Hoằng Kim, Ban Lãnh đạo Làng Kim Sơn và toàn thể cán bộ, nhân dân khu phố Kim Vân sức khoẻ, hạnh phúc và thắng lợi./.

Tin và ảnh: Quốc Tài